Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh đã trở nên đáng lo ngại. Nói vậy, bởi chỉ trong tháng 8 này đã xảy ra ít nhất 2 vụ hành hung, gây thương tích đối với lực lượng GPMB ở cơ sở, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương và chậm tiến độ thực hiện các dự án. Trong hơn 7 tháng qua, T.P Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 98 dự án, trong đó phải tổ chức bảo vệ thi công 9 lượt do có một số hộ dân chống đối, không bàn giao mặt bằng. Tương tự, huyện Phổ Yên thực hiện 29 dự án với diện tích đất thu hồi trên 123ha và phải tổ chức 11 lượt bảo vệ thi công. Huyện Đại Từ thực hiện 14 dự án và tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công 3 lượt… Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh trong hơn 7 tháng qua đã phải tiến hành 25 lượt cưỡng chế và bảo vệ thi công.
Theo báo cáo của Công an T.P Thái Nguyên, khoảng 9 giờ ngày 8-8, ông Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa, phụ trách công tác bồi thường GPMB của Công ty, cùng cán bộ xã Phúc Hà đến thực địa tại xóm 8 để giao đất cho đơn vị thi công Dự án Khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà. Khu vực bàn giao mặt bằng nằm một phần trên diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Văn San. Được biết, trước đó gia đình ông San đã nhận tiền bồi thường và cam kết tháo dỡ, di dời các công trình trên đất để trả mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng cam kết tháo dỡ, gia đình ông vẫn chưa di chuyển đi nơi khác. Đến khoảng 10 giờ 50 phút ngày 8-8, trong khi tổ công tác đang phối hợp di chuyển đồ đạc thì ông Nguyễn Văn San từ ngoài đi vào chửi bới và dùng dao chém vào má trái của ông Đỗ Thanh Bình làm rách một vết dài khoảng 5cm. Sau đó, ông Bình đã được đưa đến Bệnh viện A Thái Nguyên để khâu vết thương. Ngày 14-8, cơ quan cảnh sát điều tra Công an T.P Thái Nguyên đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn San để phục vụ điều tra.
Tiếp đó, ngày 13-8 tại huyện Đại Từ, khi lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bùi Văn Mùi, trú tại xóm 7, thị trấn Hùng Sơn, do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, thì bị các đối tượng chống đối quyết liệt. Báo cáo của Công an huyện Đại Từ cho thấy, trong quá trình lực lượng cưỡng chế tổ chức chặt hạ 175 cây keo lai vi phạm chiều cao lưới điện cao thế 220Kv thì ông Mùi đã tập trung khoảng 30 người, chủ yếu là phụ nữ và người già, sử dụng gậy gộc, dao quắm, vôi bột trộn ớt và các chất bẩn khác để cản trở lực lượng chức năng, khiến 5 cán bộ bị thương. Công an huyện đã tạm giữ 6 đối tượng để phục vụ điều tra, làm rõ. Về vụ việc này, lãnh đạo Công an tỉnh đã đề nghị huyện Đại Từ tiến hành xử lý điểm để răn đe đối với những trường hợp cố tình chống đối, vi phạm các quy định của Nhà nước
Một buổi bảo vệ thi công của lực lượng chức năng T.P Thái Nguyên đối với tuyến đường quy hoạch thuộc Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư số 3, phường Quan Triều
Trong thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai GPMB để thực hiện hàng trăm dự án đầu tư, đa phần các hộ dân trong diện ảnh hưởng đều đồng lòng ủng hộ. Nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất cho Nhà nước để thi công những công trình thiết yếu. Không ít trường hợp khi biết được chủ trương chung của Nhà nước và thấy được lợi ích to lớn đối với cả cộng đồng, đã tự giác bàn giao mặt bằng và tích cực vận động người thân bàn giao sớm để các dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ. Nhiều trường hợp điển hình được tỉnh khen thưởng, động viên và biểu dương. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp bất hợp tác, cố tình gây khó khăn cho chính quyền địa phương bằng cách không cho kê khai, kiểm đếm, không nhận tiền bồi thường để di dời theo quy định, kích động, lôi kéo một số đối tượng khác cùng tham gia chống đối. Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhiều lần, nhưng không ít trường hợp vẫn cố tình không nghe, không hiểu, không chấp hành. Hầu như tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua đều xảy ra những trường hợp như vậy, nhất là với các địa phương trọng điểm về thực hiện các dự án đầu tư, như: T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Phú Bình. Thực trạng đó khiến các địa phương này phải tiến hành cưỡng chế, bảo vệ thi công. Kết quả, cơ bản các đợt ra quân đều đảm bảo an toàn, giải phóng được mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ, rất ít trường hợp khiếu kiện. Chúng ta đều hiểu, việc cưỡng chế và bảo vệ thi công là việc làm bất đắc dĩ, nhưng thể hiện sự cương quyết của các cấp chính quyền địa phương. Bởi trước đó, các địa phương đã thực hiện đầy đủ những bước cần thiết, từ công khai, minh bạch chủ trương thực hiện dự án đến họp thống nhất các phương án với nhân dân, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với những hộ sớm bàn giao mặt bằng, rồi bố trí nơi tái định cư… Điều đáng nói là hầu hết các hộ dân đều đồng thuận, ủng hộ khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất, chỉ có một vài hộ cố tình chây ỳ. Ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ví dụ: Như trường hợp của gia đình ông Bùi Văn Mùi, dù huyện đã nhiều lần vận động, thuyết phục, ngay cả thỏa thuận mua giá cao toàn bộ số keo vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nhưng gia đình này vẫn cương quyết không nghe, nên mới buộc phải cưỡng chế. Theo đề nghị của Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh thì đối với những trường hợp cố tình vi phạm quy định về GPMB, chống đối, hành hung, gây thương tích cho các cán bộ thực thi nhiệm vụ GPMB phải bị xử lý thích đáng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật
Bình luận bài viết