Trải qua hàng trăm năm, câu chuyện về hang Huyện (Võ Nhai, Thái Nguyên) vẫn còn là một điều bí ẩn. Đã có không ít những lời đồn huyền bí được người ta thêu dệt tại đây.
Sở dĩ có cái tên hang Huyện là bởi khoảng năm 1865 khi quân đội người Tráng (Trung Quốc) – còn gọi là quân cờ đen, đã dùng kế hiểm hun chết hàng nghìn người của huyện tại hang sâu này.
Kế hiểm, hun người trong hang đá
Thông tin “cả huyện chết do giặc hun khói” đã khiến chúng tôi tò mò và mong được một lần mục sở thị sự kỳ bí của nó. Thôn Làng Tràng (Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên) nằm bình yên giữa những ngọn núi cao xanh. Một người dân sống ngay chân núi tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết chúng tôi tìm hiểu về hang Huyện: “Chẳng ai biết hang đó sâu đến mức nào, cũng không biết trong hang còn xương cốt không nữa. Vì đã ai khám phá hết hang đâu. Cho đến nay hang Huyện vẫn còn là điều bí ẩn với chúng tôi”.
Chúng tôi được một cán bộ địa phương, người thông thạo địa hình cũng như am hiểu chút ít về hang huyện dẫn đường. Trước khi vào hang, vị cán bộ này không quên dặn dò mang theo hương hoa. “Dù sao trước đây cũng có hàng nghìn người chết. Mình cứ nên nghi lễ cho phải đạo” – anh Học thận trọng. Những người đã từng vào hang nói cần phải có những thứ thiết yếu như: Đèn pin, dao quắm, nước uống và dây thừng. Từ thung lũng ngước mắt nhìn lên những vách núi trắng bệch, nham nhở, cửa hang hiện ra chỉ như một chấm tròn đen ngòm tựa như hốc mắt của một chiếc sọ người.
Vượt qua con suối ngầu nước đỏ, bãi đá lởm chởm chỉ nhú khỏi mặt nước như những bàn tay khô quắt chực bấu vào chân người, chúng tôi bắt đầu trèo lên những dốc núi dựng đứng. Mặt trời lên đến đỉnh đầu, cả thung lũng nóng rực như chảo lửa. Thế nhưng khi mới đặt chân vào cửa hang, cảm giác ớn lạnh chạy khắp cơ thể bất kỳ ai. Chốc chốc mọi người lại nghe thấy tiếng chí chóe cắn nhau của lũ dơi. Hai bên vách của hang lũ dơi bám, đánh đu tạo thành những hình thù kỳ quái. Anh Học kể: “Ở đây hang rất sâu và tối, hơn nữa lại mát về mùa hè, mùa đông thì ấm. Hàng trăm năm nay lũ dơi đã sống ở đây rất nhiều. Ngày trước người dân trong làng còn vào hang lấy phân dơi về bón ngô, có người lấy cả xe cải tiến bán cho người ta làm thuốc súng. Đến mùa sinh sản phân dơi có khi ngập đến tận đầu gối người”.
Sau khi xây dựng xưởng vũ khí, một cửa thoát hiểm được mở. |
Chỉ bước vào cửa hang chừng 10 mét tất cả như ở địa ngục. Một màu đen đặc quánh, đèn pin chỉ soi với tầm xa hơn 1 mét, người nói thầm với nhau cũng tạo thành những tiếng động kỳ lạ. Tất cả tạo cho hang Huyện một sự kỳ bí, rùng rợn. Chợt nhớ lại câu chuyện của cụ Chu Thị May, 80 tuổi (thôn Làng Tràng), cụ bảo: “Tôi chỉ biết trước đây các cụ kể lại khi đánh giặc (quân cờ đen), cả huyện này đã bị chết ở trong hang do địch hun khói. Lúc còn trẻ chúng tôi vẫn còn thấy rất nhiều xương người, đầu lâu và tóc. Thử hỏi làm sao mà không có ma được, hàng nghìn người chết như thế…”. Những câu chuyện của cụ May cộng với khí lạnh của hang khiến mấy người chúng tôi không dám rời nhau nửa bước.
Mò mẫn trong ánh đèn pin vàng đục, thỉnh thoảng những kẻ lạ mặt như chúng tôi lại giật mình, kêu thất thanh bởi những hình thù kỳ quái quanh vách hang. Có những chỗ nhũ và hốc đá tạo thành hình mặt người khắc khổ như đang khóc. Chỗ lại hình miệng lớn của một ai đó trong cơn đau dữ dội. Bên cạnh những hình dạng kỳ thú của đá tạo ra là ngổn ngang những dấu tích để lại của bộ đội ta những năm 1965 – 1966.
Anh Học kể lại, những năm kháng chiến chống Mỹ, bộ đội đã từng dùng hang Huyện này làm xưởng sản xuất vũ khí. Xưởng bắt đầu đi vào sản xuất là ngày 15/10/1967. Toàn bộ nền phía cửa hang rộng 4.40 m2 được san phẳng và xây dựng thêm một số hạ tầng khác. “Ngày chúng tôi còn nhỏ, nghe ông bà kể lại đây là hang mà hàng nghìn người chết ngạt cũng sợ lắm. Nhưng sau này giải phóng, trẻ con, người lớn lại vào hang mót lại những phôi sắt mà đơn vị bộ đội để lại những ngày sản xuất vũ khí. Có lẽ cũng từ đó mà thỉnh thoảng còn có người dám vào hang đấy. Chứ trước thì tuyệt nhiên không ai vào” – anh Học hồ hởi chỉ vào những dấu tích nói.
Đi được chừng hơn 100 mét, anh Học khuyên chúng tôi nên trở lại. Bởi chính “thổ địa” như anh cũng chưa từng vào sâu tận cùng của hang. Hơn nữa những dụng cụ hỗ trợ chưa đủ tốt để đi thêm. Trở ra cửa hang ai nấy đều có cảm giác tiếc nuối như xem một bộ phim trinh thám chưa biết hồi kết.
Bí ẩn được hé mở
Rời khỏi hang Huyện những câu hỏi lớn trong đầu chúng tôi vẫn còn chưa có lời đáp. Sự tích cả huyện chết ngạt trong hang là thế nào? Nếu đi đến tận cùng của hang sẽ đến đâu? Và, liệu còn ai trong huyện còn sống sót khi bị giặc hun đốt? còn rất nhiều, rất nhiều điều mà không chỉ chúng tôi chưa sáng tỏ. Từ những bậc cao niên trong làng đến những người am hiểu lịch sử cũng không thể trả lời thích đáng cho câu hỏi của chúng tôi. Vì ai nấy đều nói: “Gốc gác của chúng tôi đều là ở nơi khác đến. Xưa kia những người bản địa đều chết hết trong trận đánh với giặc cờ đen cả”.
Được sự chỉ dẫn của cụ Chu Thị May, chúng tôi tìm gặp đến cụ Nguyễn Văn Vững, người gốc nhiều đời sinh sống tại Võ Nhai. Đã hơn 80 tuổi nhưng cụ Vững vẫn tráng kiện như trái núi sau nhà. Vừa có ý muốn tìm hiểu về hang Huyện, cụ Vững cười sảng khoái: “Hỏi tôi về hang Huyện là đúng rồi. Từ trước tới nay chẳng ai hỏi tôi về lịch sử của nó. Thế nên tư liệu ở Phòng Văn hóa làm gì có nhiều”. Cụ Vững bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng trầm buồn. Cụ kể, trước đây bà nội của cụ là Hoàng Thị Thảo được sinh ra chính tại cửa hang và chính bố mẹ, anh chị của cụ May là nghĩa quân năm đó. “Cụ cố của tôi sinh ra được hơn chục người con. Duy chỉ có cụ Hoàng Đình Triệu (đẻ ra mẹ cụ Vững) và Hoàng Đình Dã là thoát chết, còn lại hy sinh cả”.
Phía trong hang đá có rất nhiều hình thù kỳ quái khiến mọi người không khỏi dựng tóc gáy. |
Tại Tràng Xá duy nhất có cụ Nguyễn Văn Vững có được cuốn sổ lịch sử cuộc chiến hang Huyện năm nào. Đã gần 100 năm nay cụ Vững giữ gìn như tính mạng của mình. Lật giở từng trang giấy, cụ kể, trước đây cái hang này có tên là hang Thắm sau lần “vỡ hang” nhân dân gọi thành hang Huyện vì lúc đó gần như cả huyện chết ở đó. Ngày đó quân cờ đen tràn sang biên giới tự do khai thác tài nguyên, đánh thuế nhân dân ta. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi. Nhân dân tại đây đứng lên chống lại giặc, đứng đầu là 2 cụ Huyện Nguyên và Huyện Khoai. Do quân địch quá mạnh nên nhiều vùng đã đầu hàng, duy chỉ có tại đây vẫn kiên cường chống lại.
Hang Huyện được bố trí phòng ngự rất kiên cố và khoa học. Xung quanh cửa hang nghĩa quân trồng tre thành nhiều lớp khác nhau. Phía cửa hang được bố trí chông nhọn và giàn đá. “Các cụ nhà tôi kể lại, quân cờ đen không làm cách nào để tiếp cận với hang. Cứ tiến gần đến là dính bẫy chông và đá. Quân giặc cũng chết ngổn ngang đầy dưới chân hang” – cụ Vững tự hào kể. Cứ như thế, nhân dân và nghĩa quân đã trụ vững được 5 năm, với chính sách “bỏ trồng ngô, thôi trồng lúa”. Nghĩa quân luôn cắt cử người trên đỉnh núi gác, khi yên thì ra khỏi hang cấy cày, có động tất cả lại vào hang.
Sau nhiều năm không chiếm được hang, quân cờ đen nghĩ ra một kế, đó là hun khói để tiêu diệt nghĩa quân. Địch đã dùng hỏa tiễn bắn vào cửa hang, khi đó cửa hang của nghĩa quân có nhiều bầu diêm và súng hỏa mai. Cửa hang bốc cháy dữ dội, quân cờ đen chia làm nhiều ngả tấn công vào. Hoảng loạn nghĩa quân và nhân dân đã chạy sâu vào hang lẩn trốn. Chính vì khói của bầu diêm đã khiến cho toàn bộ nghĩa quân và nhân dân chết vì ngạt. Kể đến đây, cụ Vững như chậm lại: “Tất cả có 300 lão, 700 giai, 3 tổng, 7 xã đều bỏ mạng sau mưu kế tàn ác của quân giặc. Chỉ có những người đứng ngoài canh gác và những người đi theo đường lạch chạy sang tỉnh khác thì thoát chết”.
Theo lời cụ Vững thì dấu tích của trận đánh đó chỉ mất sau khi quân đội ta san phẳng để làm xưởng vũ khí phục vụ cho kháng chiến chống Mỹ. Cụ kể: “Ngày tôi còn nhỏ, hang Huyện là một nỗi sợ hãi, ám ảnh của mọi người. Nhất là những người không phải gốc gác ở đây. Chúng tôi là dân bản địa thì không sợ gì bởi những người chết trong hang ngày đó đều là anh em họ hàng, ruột thịt của mình”.
Năm 1965, cụ Vững vinh dự được cử đi cùng đội trinh sát xuống tận đáy hang vẽ bản đồ, xây dựng xưởng vũ khí. Tuy nhiên việc tìm ra đường lạch sang tỉnh khác là điều vô cùng khó khăn. Cho đến tận ngày nay vẫn chưa ai tìm được con đường độc đạo đó. |
Dứt lời cụ kể tiếp: “Có những lần tôi vào hang còn nhìn thấy hình người nằm co quắp nhưng đã cháy thành than, động vào là vụn ra. Chuyện nhặt được xương cốt, tóc, dao cùn, cối giã trầu, liềm là chuyện bình thường. Khi thấy xương cốt là chúng tôi lại mang ra ngoài mai táng lại, còn rất nhiều đã tan thành tro ở trong hang rồi”.
Bên cạnh sự hiểm trở của hang Huyện còn là những câu chuyện ma quỷ khiến ít ai dám khai phá. Đã không ít những đoàn thám hiểm về đây với mục đích tìm hiểu cặn kẽ nhưng lên đều để lại những cái lắc đầu, rồi sau đó một đi không trở lại. Theo cụ Vững, phía dưới của hang có 1 con suối rất lớn, đường đi vô cùng hiểm trở. Nếu muốn xuống phải sử dụng 1 loại đèn pin đặc biệt dành cho những thợ khai mỏ. Đi xuyên qua hang có thể sang được tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Cụ Vững nói: “Xưa các cụ nói, nếu đi xuyên qua núi cũng phải mất đến 3 ngày. Thấy bảo khe để đi xuyên qua núi rất nhỏ, chỉ đi vừa 1 người. Chính nhờ đường khe này mà có một vài người sống sót khi bị quân cờ đen hun khói”.
Theo Phong Anh/CAND
Bình luận bài viết