Ep coc be tong thai nguyen | Ép Cọc Bê Tông Tại Thái Nguyên

TN: Loay hoay chuyện xây nhà trọ ở Phổ Yên

Thời gian qua, do lượng người lao động đến Thị xã Phổ Yên làm việc, sinh sống tăng đột biến nên đã tạo ra “làn sóng” đầu tư xây dựng nhà trọ cho thuê ở một số xã, phường của Thị xã, đặc biệt là các khu vực gần Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân, hiện nay nhiều khu trọ không thu hút được người thuê khiến không ít chủ nhà trọ gặp khó.
Nhiều phòng trọ của gia đình ông Vũ Văn Đoan, ở tổ dân phố Yên Thứ, phường Ba Hàng (Thị xã Phổ Yên) thường xuyên nằm trong tình trạng vắng khách thuê trọ.

Hiện nay, trên địa bàn Thị xã Phổ Yên có hơn 90.000 công nhân, viên chức, người lao động, tăng khoảng 70.000 người so với 2-3 năm trước. Nguyên nhân tăng là do các nhà máy ở KCN Yên Bình đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút số lượng lớn người lao động vào làm việc. Hiện nay, các dự án vẫn đang tiếp tục được đầu tư, dự kiến đến năm 2018 tại đây sẽ có khoảng 165.000 công nhân lao động. Do phần lớn người lao động từ các địa phương khác đến nên nhu cầu thuê nhà trọ rất lớn. Đến nay, các khu ký túc xá dành cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu. Căn cứ vào lượng lao động trên địa bàn thì hiện nay tại địa phương còn thiếu khoảng 30.000 chỗ ở. Tính đến quý II/2015, ở các xã, phường của Thị xã Phổ Yên có tổng số 1.513 hộ xây dựng nhà trọ với 12.683 phòng. Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù người lao động thiếu chỗ ở song nhiều nhà trọ lại không thu hút được người thuê, thường xuyên nằm trong tình trạng vắng khách. Một số chủ nhà trọ đang lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở” bởi tiền đầu tư xây dựng nhà trọ không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi, thậm chí có những gia đình còn lâm vào cảnh nợ nần. Được biết đến thời điểm này mới chỉ có trên 16.000 người lao động đang thuê nhà trọ tại địa phương.

 

Khu nhà trọ của gia đình ông Vũ Văn Đoan, ở tổ dân phố Yên Thứ, phường Ba Hàng được đầu tư xây dựng từ năm 2014, đến nay vẫn luôn trong tình trạng vắng khách. Tỷ lệ phòng có khách thuê chỉ đạt trên 30%, thỉnh thoảng mới lên đến 50%, nhưng cũng không duy trì lâu. Ông Đoan cho biết: Tôi bỏ ra khoảng 800 triệu đồng để đầu tư xây 2 dãy nhà trọ với 22 phòng. Mỗi phòng có diện tích khoảng 15m2, công trình phụ khép kín, bao gồm điện, nước đầy đủ, có chỗ nấu nướng, khách chỉ việc dọn đến ở. Tuy nhiên, hiện nay, cũng chỉ có 5 phòng có khách trọ, còn lại bỏ trống. Cứ thế này, không biết bao giờ mới thu lại được vốn. Cũng may gia đình không phải vay vốn để đầu tư, chứ nếu không thì thu nhập còn chưa đủ trả lãi hằng tháng…

 

Nằm cách Nhà máy điện tử Samsung chưa đầy 500m, nhưng khu nhà trọ của gia đình bà Hà Thị Duyên, tổ dân phố Đình, phường Đồng Tiến cũng luôn vắng khách thuê. Bà Duyên cho biết: Thấy một số hộ xung quanh đầu tư xây dựng nhà trọ cho thuê cho thu nhập khá, nên đầu năm 2015, tôi đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng cùng với số vốn của gia đình để xây dựng 8 phòng trọ cho thuê. Tổng chi phí xây dựng hết 160 triệu đồng. Nhưng do không thu hút được khách đến ở, nên một số phòng thường xuyên bỏ trống. Hiện tại, cũng chỉ có 4 phòng có khách ở, mà lượng khách này cũng không ổn định, có người chỉ ở vài hôm lại dọn đi. Với giá phòng 800.000 đồng/tháng, trừ chi phí cũng chỉ đủ trả tiền lãi ngân hàng.

 

Nguyên nhân nhiều lao động không chọn thuê trọ tại địa phương đầu tiên phải kể đến là do chất lượng nhà trọ chưa đáp ứng được nhu cầu của người thuê. Theo khảo sát của Liên đoàn lao động Thị xã thì, phòng trọ ở đây được chia làm 2 loại theo thời gian là: Phòng trọ được xây dựng từ khi khởi công KCN Yên Bình đến đầu năm 2014: Bởi khi đó chủ yếu số phòng trọ xây dựng nhằm phục vụ công nhân lao động của các nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng các dự án, nên hầu hết đều xây dựng tạm bợ, diện tích nhỏ, các công trình vệ sinh, chống nóng… kém, nhà thấp, mái lợp tôn, sân đất, diện tích phòng chỉ từ 9-15m2. Khi hoàn thiện việc thi công, các công nhân rút đi, thay vào đó đa phần là lao động làm việc trong các nhà máy xí nghiệp đến thuê ở, đòi hỏi các phòng trọ phải có điều kiện tốt hơn, dẫn đến những phòng trọ kém chất lượng sẽ không được chọn thuê. Hiện tại tỷ lệ khách ở những phòng trọ này chỉ chiếm khoảng 30%/tổng số phòng. Đối với các phòng trọ được xây dựng từ 2014 đến nay: Chất lượng tốt hơn, diện tích phòng từ 12-22m2, có công trình vệ sinh khép kín, nhà ở sạch sẽ, đảm bảo an ninh trật tự thì số lượng công nhân lao động ở trọ ổn định hơn.

 

Đồng chí Đặng Minh Khang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thị xã cho biết: Nhìn chung, các nhà trọ hiện nay đều mới chỉ dừng lại ở việc làm nơi ngủ nghỉ của người lao động, diện tích nhỏ, chất lượng nhà cũng chưa được quan tâm và điều đặc biệt là các nhà trọ đều chưa có các thiết chế văn hóa, chưa có khuôn viên cho các hoạt động văn hóa thể thao. Phần lớn mô hình nhà trọ trên địa bàn hiện nay là nhà cấp 4, chỉ có khoảng 10% được xây kiến cố theo thiết thế nhà 2-3 tầng.

 

Một nguyên nhân nữa là, giá thuê phòng ở địa phương hiện nay khá cao, dao động từ 800.000-1.500.000 đồng/phòng tùy theo chất lượng, khoảng cách giữa nhà trọ và KCN. Trong khi giá thuê phòng ở một số nơi như: T.P Sông Công, T.P Thái Nguyên, huyện Sóc Sơn (Hà Nội)… chỉ từ 300.000-500.000 đồng/phòng. Công nhân lao động ở trọ thường đi làm từ 10-12 tiếng/ngày, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng, nên họ phải tính toán các khoản chi phí hợp lý mới có thể đảm bảo cuộc sống. Nếu thuê nhà ở mức giá 1.000.000 đồng/tháng, cộng với tiền điện, nước, mỗi tháng chi phí tối thiểu cho 1 người từ 3-4 triệu đồng. Mức chi này tương đối cao, do vậy nhiều lao động không chấp nhận mà đi thuê ở các địa phương khác. Mặc dù ở xa nhưng vì một số doanh nghiệp có xe đưa đón người lao động nên họ vẫn chọn những nơi có giá phòng rẻ hơn để ở.

 

Hiện nay, trên địa bàn Thị xã Phổ Yên, nhiều nhà trọ vẫn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, từ thực tế thiếu chỗ ở nhưng vẫn thừa phòng trọ cho thấy việc xây dựng nhà trọ phải được nâng cao về chất lượng, hạ giá cho thuê, sao cho phù hợp với điều kiện và mức sống của người lao động trên địa bàn.

Bình luận bài viết