Ep coc be tong thai nguyen | Ép Cọc Bê Tông Tại Thái Nguyên

Công ty H&P, vì sao người dân, doanh nghiệp lại cảnh giác khi mua bê tông “đểu” từ công ty này?

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/cong-ty-hp-vi-sao-nguoi-dan-doanh-nghiep-lai-canh-giac-khi-mua-be-tong-deu-tu-cong-ty-nay.html

Như đã đưa tin về việc hàng loạt người dân cũng như một số chủ đầu tư phản ánh về việc công ty TNHH H&P có địa chỉ tại tổ 24, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cung ứng bê tông kém chất lượng ra thị trường và sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cán bộ, nhân viên thuộc công ty này trong lúc bê tông của họ cung cấp bị xảy ra sự cố đã khiến cho hầu hết người dân cũng doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua sản phẩm bê tông tươi từ công ty này không khỏi bức xúc.


Kết quả thí nghiệm bê tông không đạt tiêu chuẩn của công trình

Đặc biệt, liên quan đến chất lượng bê tông, hiện nay có không ít doanh nghiệp đang phải điêu đứng vì mua phải bê tông rởm mà H&P cung cấp. Điển hình như công trình siêu thị và văn phòng có địa chỉ tại tổ 11, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do công ty TNHH Phương Nhung làm chủ đầu tư. Do nghi ngờ chất lượng bê tông của công ty TNHH H&P cung cấp có vấn đề nên công ty này đã yêu cầu Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên lấy mẫu hiện trường và thực hiện thí nghiệm, kiểm định chất lượng bê tông công trình siêu thị và văn phòng nói trên.

Tại kết quả thí nghiệm mẫu khoan hiện trường ngày 19/06/2015 cho thấy hầu hết các mẫu khoan được lấy về thí nghiệm đều không đạt so với yêu cầu mà chủ đầu tư đã đưa ra là M = 300daN/cm2 (tức là mác 300) thậm chí có mẫu khoan chỉ đạt M = 134 daN/cm2 tức chỉ đạt khoảng xấp xỉ 40% chất lượng so với yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra. Việc vi phạm trắng trợn các điều khoản trong hợp đồng của H&P đã làm cho dự án của công ty Phương Nhung bị tổn thất nặng nề không chỉ về thời gian, tiền bạc mà công trình này còn có nguy cơ sụp đổ bất cứ khi nào với chất lượng bê tông cấu kiện kém như vậy. Trước thực trạng nêu trên, ngày 31/09/2015 nhóm phóng viên đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên về vấn đề này.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo sở này cho biết: Riêng đối với lĩnh vực này Sở sẽ kiên quyết xử lý, nếu có vi phạm thì phải xử lý triệt để. Còn đối với công trình siêu thị và văn phòng tại tổ 11, phường Quang Trung, sau khi nhận được thông tin trên Báo Bảo Vệ Pháp Luật, ngày 28/09/2015 Sở đã có công văn số 1508/ SXD- QLCLCTXD gửi công ty TNHH Phương Nhung yêu cầu chủ đầu tư chuẩn bị toàn bộ hồ sơ liên quan như: Hồ sơ chuẩn bị đầu tư, các hợp đồng, hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế xây dựng công trình và các hồ sơ liên quan… Đồng thời Sở cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra gồm đại diện các phòng ban chuyên môn của Sở như: Phòng quản lý chất lượng công trình, phòng quản lý vật liệu, trung tâm kiểm định chất lượng công trình… để xuống kiểm tra toàn diện công trình nói trên, trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm Sở sẽ kiên quyết xử lý trên cơ sở bên nào sai bên đấy phải chịu trách nhiệm. Hiện nay phần cốt lõi liên quan đến vấn đề này là phần bê tông, cấu kiện của công trình, nếu cần Sở sẽ cho trưng cầu giám định để xác định công trình có đủ đảm bảo để đưa vào sử dụng hay không.


Bà Nguyễn Thị Minh Thu– Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần bê tông và xây dựng Thái Nguyên đang trao đổi với PV

Vậy tại sao công ty H&P lại có thể cung ứng bê tông kém chất lượng ra thị trường cũng như cho các đối tác của mình như vậy? Để giải mã cho vấn đề này nhóm phóng viên chúng tôi đã có buổi tiếp xúc và làm việc nhanh với bà Nguyễn Thị Minh Thu – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Thái Nguyên, một đơn vị có truyền thống và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực cung ứng bê tông tươi.

Trước câu hỏi: Bà có thể lý giải tại sao trong lĩnh vực xây dựng, các tiêu chí về chất lượng được quy định rất chặt chẽ song thị trường bê tông tươi lại vẫn còn tồn tại những đơn vị cung ứng sản phẩm chất lượng kém đến như vậy? Vấn đề này được bà Thu trả lời như sau: Hiện nay thị trường xây dựng tuy có phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số lượng thế nhưng tình hình kinh tế tại thời điểm hiện tại đang có nhiều thay đổi, điều này đã tác động không nhỏ tới thị trường xây dựng hiện nay, do vậy thị trường bê tông tươi qua đó cũng bị ảnh hưởng theo, mức độ cạnh tranh đã vượt quá ngưỡng cửa cân đối của thị trường. Các doanh nghiệp non trẻ, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, do vậy các doanh nghiệp này chỉ có thể đưa ra giải pháp cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá thành nhằm phá giá thị trường.

Tuy nhiên trong vấn đề sản xuất, lợi nhuận bao giờ cũng là mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới, do vậy với mức giá nguyên liệu đầu vào cộng thêm một số chi phí liên quan trong quá trình sản xuất thì mức giá bê tông thương phẩm như một số doanh nghiệp đưa ra như hiện nay thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị lỗ.

Ví dụ như công trình siêu thị tin học thanh niên Thái Nguyên, với yêu cầu của chủ đâu tư đưa ra đối với bê tông phải đạt mác M= 250daN/cm2. Sau khi tính toán với M= 250daN/cm2 cộng thuế, cộng chi phí vận chuyển, giá bán 910.000 đ/m3 doanh nghiệp vừa hòa vốn… Thế nhưng cũng công trình này, đối thủ cạnh tranh là công ty H&P chỉ đưa ra giá bán 870.000 đ/m3 thì liệu mác bê tông của công ty H&P có đảm bảo? Cũng qua cuộc trao đổi bà Thu còn cho biết thêm: Hiện nay không ít các doanh nghiệp cung ứng bê tông tươi vì vấn đề cạnh tranh đã hạ giá bán sản phẩm, tuy nhiên sự cạnh tranh này là không lành mạnh và làm ảnh hưởng không chỉ với đối thủ cạnh tranh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Vì khi giá thành hạ quá mức cho phép thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ vì vậy để khắc phục vấn đề lỗ lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì một trong những giải pháp hữu hiệu được các doanh nghiệp đưa ra là điều chỉnh chất lượng sản phẩm. Vấn đề công ty Phương Nhung gặp phải như hiện nay có lẽ cũng không phải là ngoại lệ…

Ngoài ra, bà Thu cũng tâm sự rất chân thật: Cách đây khoảng mười năm, công ty cổ phần bê tông và xây dựng Thái Nguyên cũng đã cấp bê tông tươi cho một trường hợp ở tại tỉnh Bắc Giang, do thời gian đông cứng của bê tông có hạn, đoạn đường để đổ vật liệu quá xa… Sau khi công ty cho máy đổ bê tông xuống mái nhà thì đã làm hỏng cả phần cốt thép của mái, bê tông vón hòn, không thể đảm bảo chất lượng công trình…Thấy sự cố xảy ra như vậy, công ty đã phải thương thảo với chủ đầu tư, đồng thời giữ chữ tín của công ty với khách hàng, công ty đã phải tháo toàn bộ sắt thép phần mái, gom hết phần bê tông bị hỏng và làm lại cho chủ đầu tư…

Từ sự lý giải và tâm sự của bà Thu khiến dư luận không ngại đặt câu hỏi, phải chăng công ty Phương Nhung đã và đang bị công ty H&P lừa cho ăn quả đắng dẫn đến “tiền mất tật mang”?. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thông tin về vụ việc này ngay sau khi có kết quả kiểm tra của sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên.

Hoàng Anh – Tiến Đạt

Bình luận bài viết