Ep coc be tong thai nguyen | Ép Cọc Bê Tông Tại Thái Nguyên

Kinh tế Thái Nguyên: Sẽ chuyển từ “xám” sang “xanh”

Kinh tế đô thị Thái Nguyên: Sẽ chuyển từ “xám” sang “xanh”

(Xây dựng) – Đó là một trong những mục tiêu mà kinh tế đô thị Thái Nguyên phấn đấu đạt được trong thời gian tới khi mà đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên đến năm 2035 được hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện.


Đô thị Thái Nguyên sẽ trở thành thành phố sáng tạo bên sông.

Thái Nguyên – TP sáng tạo bên sông

Là một trong những đô thị phát triển mạnh, một trung tâm kinh tế – xã hội lớn của khu vực Đông Bắc, Thái Nguyên được biết đến như thủ phủ của công nghiệp gang thép. Những năm gần đây Thái Nguyên đang chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, chuyển từ công nghiệp với gang thép là chủ đạo sang TP phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao. Đô thị Thái Nguyên hướng tới TP sinh thái, đa trung tâm, có chức năng tổng hợp với trọng tâm là dịch vụ, du lịch, hàng hóa công nghệ xanh.

Theo đại diện Cty Tư vấn AREP VILLE (Pháp), đơn vị lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên đến năm 2035, Thái Nguyên là 1 trong 3 TP có hệ thống giáo dục, y tế lớn của cả nước, có khả năng thu hút lực lượng lao động trẻ, bên cạnh phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp cần khai thác trục không gian sông nước đẹp đặc thù của sông Cầu, hồ núi Cốc và vùng chè Tân Cương, ý tưởng TP sáng tạo bên sông đã được hình thành.

Cũng theo đại diện tư vấn, đồ án đã đưa 3 chiến lược, đó là chiến lược kết hợp đồng thời nội và ngoại lực, chiến lược phát triển mô hình theo cụm trung tâm phức hợp, chiến lược tập trung vào những dự án trọng điểm.

Chiến lược kết hợp đồng thời nội và ngoại lực được xác định rõ. Bên cạnh những dự án lớn đầu tư lớn từ bên ngoài thì nội tại TP phải phát triển kinh tế tại chỗ, tạo môi trường sống bền vững để giữ được chân người lao động, khi đó Thái Nguyên mới đạt được tỷ lệ dân số, GPD như mong muốn…

Hiện TP Thái Nguyên đang phát triển bám dọc QL3 và đường cao tốc. Để phát triển không dàn trải, TP cần tập trung trọng điểm vào những dự án chiến lược và dự án trọng điểm riêng để giới hạn tiêu thụ đất, dành quỹ đất còn lại cho dự trữ phát triển trong tương lai.

Đô thị Thái Nguyên đang phát triển đô thị theo cấu trúc đơn cực với kết nối yếu, đồ án đề xuất Thái Nguyên cần phát triển theo cấu trúc đa cực mở với nhiều trung tâm khác nhau, kết nối mạnh mẽ, áp dụng chiến lược phát triển mô hình theo cụm theo trung tâm phức hợp phát triển mới đã được áp dụng thành công ở các nước phát triển trên thế giới.

Đô thị bên sông Cầu

Nét mới hướng chủ đạo của đồ án là TP Thái Nguyên trong tương lai sẽ phát triển mạnh sang phía Nam, phía Đông và một phần sang phía Tây với các trục không gian chính của đô thị sẽ là trục sông cầu, các trục kết nối sang sông. Chuyển từ đô thị đang phát triển bám dọc QL3 và đường cao tốc sang phát triển đô thị dọc 2 bên sông Cầu.

Phần nội thị được xác định là toàn bộ đất của 19 phường hiện có và mở rộng ra thị trấn Chùa Hang, xã Đồng Bẩm, Quyết Thắng, một phần xã Linh Sơn, Huống Thượng, Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu. Khu vực ngoại thị gồm toàn bộ đất đai của xã Cao Ngạn, Phúc Hà, Thịnh Đức, Sơn Cẩm, một phần xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên.

Bên cạnh những không gian đô thị hiện hữu, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, nâng cấp hệ thống hạ tầng, đồ án cũng xác định các khu phát triển mới bao gồm: KĐT Chùa Hang gắn với xã Đồng Bẩm phát triển thương mại dịch vụ, du lịch. KĐT Linh Sơn – Huống Thượng sẽ được xây dựng thành KĐT sinh thái với các trung tâm thương mại, siêu thị. KĐTM xã Đồng Liên xây dựng nhà hàng cao cấp, khách sạn, khai thác dịch vụ giải trí bên sông. KĐTM phía Tây phát triển nhà ở, thể thao, lễ hội và các khu vui chơi giải trí. Trung tâm hành chính của tỉnh sẽ được di dời về khu vực này.

KCN gang thép Thái Nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ phát triển mở rộng giai đoạn 2. Với các KCN ô nhiễm, đồ án đề xuất di dời tập trung tới khu vực phía Bắc thuộc xã Cẩm Sơn, Cao Ngạn.

Khu du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao gắn với xã Đồng Liên, Huống Thượng, Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân là nơi bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương gắn với du lịch sinh thái.

Đặc biệt, trong quy hoạch, TP dành 9.500ha cho dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị, đầu tư nông nghiệp chất lượng cao, hình thành trung tâm dịch vụ nông thôn để tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị.

Hoàn thiện hạ tầng

Đồ án đề xuất, sẽ hình thành tuyến cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn Bắc Giang- Thái Nguyên- Vĩnh Phúc, tuyến vành đai 1 vùng tỉnh Thái Nguyên, nâng cấp cải tạo QL37, 1B, 17, đồng thời hình thành các bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1.

Đường sắt sẽ hình thành tuyến Thái Nguyên – Tuyên Quang và tuyến đường sắt nội vùng Thủ đô cùng nhà ga tại khu vực phía Nam TP, thuộc P. Trung Thành; nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Lưu Xá- Kép, tuyến Hà Nội- Thái Nguyên, nâng cấp cải tạo nhà ga hiện có thành đầu mối giao thông hiện đại, kiến trúc đẹp, đồng thời nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Cầu, xây dựng bến tàu thuyền phục vụ vận tải và phát triển du lịch.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên đến năm 2035 đang tiếp tục được hoàn thiện và trình Bộ Xây dựng thẩm định trong thời gian tới.

Vũ Huyền

Bình luận bài viết