Ngày 14/05/2015, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về các tờ trình của Chính phủ và nhất trí thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính của 6 tỉnh, trong đó thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên được gì từ việc điều chỉnh này ?
Theo quy định tại Nghị định 62/2011/NĐ-CP và Thông tư 02/2012/TT-BNV hướng dẫn, thì việc thành lập thành phố, thị xã thuộc tỉnh có nhiều chỉ tiêu và tiêu chuẩn cụ thể về dân cư, hạ tầng đô thị, kết cấu kinh tế … và khi một địa phương được thăng cấp thì địa phương này cũng được tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng của địa phương này. Thực tiễn Đà Nẵng hay Huế cũng đã có các văn bản quy định đặc thù cho sự phát triển của thành phố. Hay như Điện Biên tách từ Lai Châu cũng được ngân sách trung ương nuôi tới 90%.
Ngân sách trung ương cho bao nhiêu ?
Theo báo chí, việc điều chỉnh địa giới hành chính của 6 tỉnh vừa qua, ngân sách trung ương chỉ phải chi 1.700 tỷ đồng (1), còn lại thuộc về các địa phương, tính trung bình ra mỗi tỉnh được 280 tỷ đồng.
Không rõ tiền đầu tư phát triển thị xã Phổ Yên cần bao nhiêu, nhưngđể Thái Nguyên có thêm một thành phố nữa là thành phố Sông Công thì dự kiến cũng cần khoản vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng (2) Tính trung bình thì Sông Công và Phổ Yên mỗi bên 1 nửa được 140 tỷ đồng. Một con số quá bé so với con số 3.500 tỷ đồng cần thiết theo dự kiến.
Như vậy, Thái Nguyên sẽ không được gì nhiều ngoài tiếng tăm có 2 thành phố và 1 thị xã trong cùng 1 tỉnh.
Tiền đầu tư còn lại ở đâu ra ?
Dễ thấy rằng tiền đầu tư chỉ có thể được lấy từ ngân sách thu hàng năm của tỉnh Thái Nguyên, TP Sông Công và TX Phổ Yên, đi vay và từ các nguồn lực của tư nhân. Cuối cùng vẫn là Thái Nguyên tự lực để phát triển các đơn vị mới thăng cấp này, không khác gì trước khi thăng cấp.
Điều này dẫn đến hậu quả gì ?
Chính quyền tỉnh sẽ phải phải ưu tiên chi đầu tư cho các dự án ở Sông Công và Phổ Yên để đảm bảo sớm hoàn thành các tiêu chí đô thị theo quy định của pháp luật (hiện cả TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TX Phổ Yên đều không đạt đủ các tiêu chí đô thị và tiêu chí đơn vị hành chính)
Năm 2014, thu ngân sách của tỉnh đạt 4.492 tỷ đồng, chi đạt 8.907,5 tỷ đồng (3).
Theo Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách năm 2015 của tỉnh Thái Nguyên thì:
Dự toán thu ngân sách đạt 4.828tỷ đồng (khối tỉnh thu 3.205,2 tỷ đồng, khối huyện thì TX Phổ Yên phải thu 320,3 tỷ đồng, TP Sông Công phải thu 128,9 tỷ đồng). Ngân sách trung ương bổ sung là 620 tỷ (84 tỷ là từ ODA), nhưng không rõ chi đầu tư các dự án cho mục tiêu nào ?
Mặc dù cùng lên cấp hành chính, nhưng với chỉ tiêu thu ngân sách cấp huyện như trên (mỗi huyện thị chỉ phải nộp cho tỉnh từ 4-5% thu ngân sách trên địa bàn) Sông Công lại chỉ được ngân sách tỉnh cho 87 tỷ đồng, trong khi Phổ Yên được tỉnh cho 221.5 tỷ đồng/ So với các huyện còn lại thì cũng chỉ bằng từ 1/3 tới 1/5 trong khi nhiệm vụ chi của Thành phố này là quá lớn.
Một điều cần nói là mặc dù đã được ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của Luật doanh nghiệp, nhưng Samsung Thái Nguyên vẫn được tỉnh giảm thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi hết thời hạn ưu đãi theo luật, và được hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng cho dự án SVTE2 với mức hỗ trợ nhỏ hơn hoặc bằng số tiền thực nộp mà Sam sung Thái Nguyên nộp vào ngân sách (nếu được công nhận là tổ hợp công nghệ cao). Như vậy là khả năng trông chờ nguồn thu từ Sam sung để đầu tư vào cơ sở hạ tầng Phổ Yên (hoặc cả Sông Công) là khó có thể xảy ra.
Dự kiến chi ngân sách đạt 8.269,250 tỷ đồng trong đó khối tỉnh là 4.307.4 tỷ đồng, huyện là 3.961.8 tỷ đồng. Trong đó:
Chi cấp tỉnh: các Cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh là 1.479 tỷ đồng, các Đoàn, Hội là 51.2 tỷ đồng, Tỉnh ủy là 108.7 tỷ đồng, các đơn vị khác là 525.6 tỷ đồng.
Chi cấp huyện: Phổ Yên là 528.7 tỷ – trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng là 204 tỷ đồng, Sông Công là 210.6 tỷ – trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng là 27 tỷ đồng/ Trừ Đồng Hỷ chi xây dựng cơ sở hạ tầng là 13.5 tỷ đồng, các huyện còn lại chưa huyện nào được chi quá 10 tỷ cho cơ sở hạ tầng, cá biệt Võ Nhai và Định Hóa không vượt quá 2.7 tỷ đồng.
Hiện nay các huyện này trừ các đường trục chính thì hầu hết cơ sơ hạ tầng giao thông còn yếu kém, không có các doanh nghiệp vào đầu tư; trong khi lại không thể tự lực phát triển và cũng không được tỉnh hỗ trợ tiền chi đầu tư phát triển (bao gồm các khoản chi xây dựng hạ tầng kinh tế, công cộng; chi đầu tư của nhà nước vào các doanh nghiệp) thì các huyện này sẽ mãi sẽ là khu vực nghèo khó của tỉnh.
Tất nhiên không thể phát triển đồng đều huyện thị nào cũng như nhau, đều được tỉnh đối xử công bằng mà cũng cần có những địa phương phát triển trước kéo những vùng sau đi lên. Nhưng làm sao để đảm bảo được việc cân bằng quyền lợi của người dân giữa các địa phương trong tỉnh, tránh sự phân biệt quá rõ ràng giữa các địa phương là một vấn đề lớn khi quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
Vinh Quang
Bình luận bài viết