Ep coc be tong thai nguyen | Ép Cọc Bê Tông Tại Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên chú trọng xây dựng hạ tầng đô thị

Ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên khẳng định, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ luôn được TP Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Với vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội không chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà còn của cả vùng trung du miền núi phía Bắc, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền, chung sức đồng lòng, nỗ lực bền bỉ của các tầng lớp nhân dân, TP Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng, rõ nét của một đô thị văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc vùng miền.

Một điều dễ nhận thấy là diện mạo đô thị của TP Thái Nguyên đang được thay đổi từng ngày với không gian từng bước mở rộng, hài hòa; hệ thống giao thông được cải tạo, xây mới với nhiều cây xanh; cùng với đó là điểm nhấn bởi các công trình xây dựng có quy mô, hiện đại…

Minh chứng cho nhận định ấy là nhiều dự án giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng; trên 20 khu đô thị, khu dân cư được hình thành, trong đó trên 30% diện tích đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, TP Thái Nguyên đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố; lập và triển khai nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Cụ thể, có thể kể đến là dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông của tỉnh, TP Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành khác đến với Thái Nguyên; là Trung tâm thương mại Đông Á Plaza; Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc; Trường Đại học Việt Bắc; Dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội thị… cũng đang từng bước được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Bộ Xây dựng, TP Thái Nguyên đang tập trung thực hiện Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – tỉnh Thái Nguyên” với tổng mức đầu tư hơn 60 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để nâng cấp nhiều công trình, trong đó có 2 dự án trọng điểm là dự án đường Việt Bắc và Dự án xây dựng cầu Bến Tượng.

Về lĩnh vực công nghiệp, TP Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉ đạo quyết liệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từ đó đã góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.

Công tác quy hoạch, quản lý cụm công nghiệp được quan tâm, trong đó có 17 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 548,5 tỷ đồng; các doanh nghiệp đã đầu tư trên 241,2 tỷ đồng. Trên địa bàn TP Thái Nguyên hiện có 193 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho gần 27 nghìn lao động.

Theo ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Để đạt kết quả quan trọng trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Thái Nguyên đã thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm; tranh thủ sự lãnh đạo của tỉnh, đưa ra mô hình chuyển đổi các cơ quan, đơn vị của Nhà nước chiếm giữ “mặt tiền” có lợi thế thương mại cao vào bên trong để dành đất cho doanh nghiệp đầu tư khai thác lợi thế đó. Qua đó, vừa tạo được diện mạo đô thị lại vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu tăng giá trị thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên cho biết: Phương án quy hoạch chung của TP Thái Nguyên đến năm 2035 đã xác định, lấy sông Cầu làm trục không gian đô thị, mở rộng thành phố về phía Đông Bắc và tăng cường các kết nối Đông – Tây. Quy hoạch mới nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên dọc hai bên sông Cầu để nâng cao chất lượng môi trường đô thị và tạo không gian mở cho TP Thái Nguyên với diện tích tự nhiên lên trên 24.200ha và dự báo dân số lên trên 329.000 người.

Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 nhiệm kỳ 2015-2020 vừa diễn ra, Đảng bộ TP Thái Nguyên xác định thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề để thúc đẩy các ngành kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Theo đó mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đổi mới toàn diện; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực, xây dựng TP Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững từng bước văn minh, hiện đại”.

Giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này theo những nhà lãnh đạo TP Thái Nguyên là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư của tỉnh và thành phố trên các kênh thông tin đại chúng; phát huy và mở rộng hơn nữa các quan hệ đối ngoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ…

Tin rằng với những tiền đề vững chắc và bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng với những nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, TP Thái Nguyên sẽ có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng trung du miền núi Bắc bộ.

Bình luận bài viết