Ep coc be tong thai nguyen | Ép Cọc Bê Tông Tại Thái Nguyên

Tin ” khó tin “

8 đời bí thư, 8 đời chủ tịch tỉnh vẫn chưa làm xong 1,5km đường

Tuyến đường chỉ dài hơn 1,5km, trải qua quãng thời gian 27 năm lập quy hoạch và thi công, tương ứng với 8 đời bí thư, 8 đời chủ tịch tỉnh vẫn chưa được thành..

Lộ trình 27 năm

Một tuyến đường chỉ dài hơn 1,5km, trải qua quãng thời gian 27 năm lập quy hoạch và thi công, tương ứng với 8 đời bí thư, 8 đời chủ tịch tỉnh vẫn chưa được hoàn thành. Chuyện khó tin này đang diễn ra ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Được khởi động từ năm 1990, cho đến năm 2007, Dự án đường Bắc Sơn – Minh Cầu được chính thức hóa bằng việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 1995/QĐ-UBND “phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Bắc Sơn – Minh Cầu và khu dân cư mới phường Hoàng Văn Thụ”.

Theo Quyết định 1995, chiều dài con đường là 1,5km, lộ giới xây dựng từ 22m đến 27m. Diện tích thu hồi cho dự án là hơn 16ha.

Mục đích xây dựng một con đường văn minh phục vụ giao thông cho thành phố Thái Nguyên tính đến thời điểm này (sau 7 năm) vẫn còn ngổn ngang.

Gần 1 năm sau, ngày 23/8/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1083 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng con đường này và giao cho Công ty Xây dựng và san nền Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư 106 tỷ đồng (bao gồm: đường giao thông, điện, nước). Trong quyết định này nêu rõ: nguồn vốn đầu tư là vốn tự có của chủ đầu tư. Phương thức giao đất của tỉnh là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Chỉ đúng 2 tháng sau, ngày 23/8/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ra Quyết định 1672 điều chỉnh quy hoạch dự án này theo hướng tăng diện tích thu hồi đất lên 19,84 ha. Đáng lưu ý, việc tăng diện tích theo quyết định này không phải để mở rộng hay kéo dài thêm đường Bắc Sơn Minh Cầu mà là mở rộng thêm diện tích các lô đất ở.

Lý giải về chuyện này, Phó giám đốc Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên (nay là Cty TNHH Đầu tư Thái Nguyên), ông Trần Đức Lợi cho biết: “Trước đây tỉnh không tính diện tích đất tái định cư cho các hộ dân mất đất vào cùng diện tích của dự án, giờ tỉnh giao Chủ đầu tư lo bố trí đất tái định cư cho dân nên phải mở rộng thêm 3ha đất là hợp lý”. Cũng theo ông Lợi, có 375 hộ dân thuộc diện tái định cư do bị thu hồi đất để phục vụ dự án.

Quyết định 1672, trong tổng số hơn 19ha đất theo quyết định này thì chỉ có 39% dành cho xây dựng hạ tầng giao thông, còn 42% dành cho đất ở chia lô để bán đối ứng xây dựng hạ tầng?! Tổng mức đầu tư được nâng lên 209 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 10/2015, đường Bắc Sơn dài 1,22km đã thi công được 0,6km đường rải áp-pha. Hơn 600m còn lại đang san lấp mặt bằng và rải cấp phối. Đường Minh Cầu dài 270,2m hiện rải áp-pha được 100m; hơn 170m còn lại cũng đang chờ… giải phóng mặt bằng.

Như vậy, dự án chưa hoàn thành được 50% theo quy hoạch ban đầu. Mục đích xây dựng một con đường văn minh phục vụ giao thông cho thành phố Thái Nguyên tính đến thời điểm này (sau 7 năm) vẫn còn ngổn ngang.

Gỡ rối bằng giải pháp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Trong một diễn biến khác, không biết các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên “bật đèn xanh” ra sao mà Chủ đầu tư chưa hoàn thành công trình giao thông để bàn giao cho tỉnh đã đem các lô đất đi bán kiếm lời. Việc làm này của tỉnh Thái Nguyên và Chủ đầu tư dự án này khiến người dân bị thu hồi đất bức có đơn thư khiếu kiện kéo dài.

Ông Trần Đức Lợi,  Phó giám đốc Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên (nay là Cty TNHH Đầu tư Thái Nguyên).

Đại diện chủ đầu tư, ông Trần Đức Lợi tiết lộ thêm: Hiện nay thiếu hụt hơn 100 lô tái định cư nên chưa thể giải phóng mặt bằng. Đây là lý do khiến dự án bi chậm tiến độ nhiều năm.

Khó hiểu ở chỗ, mặc dù kêu thiếu hụt đất tái định cư cho dân nhưng chưa có cơ quan chức năng nào tiến hành điều tra làm rõ xem hơn 3ha đất trước đây UBND tỉnh Thái Nguyên đã “mở rộng quy hoạch” để làm đất tái định cư “hô biến” đi đâu?

Còn nữa, việc UBND tỉnh Thái Nguyên “đối ứng” cho Chủ đầu tư một diện tích đất khổng lồ vượt xa giá trị tiền mà Chủ đầu tư bỏ ra xây dựng hạ tầng cũng cần phải được cơ quan chức năng làm rõ.

Thay vì việc phải xác minh xem 3ha đất dành cho tái định cư đi đâu, hoặc xem xét lại việc đối ứng quá “ưu ái” tới 500 lô đất cho Chủ đầu tư để tránh xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước hay không thì ở thế bí, vừa qua UBND tỉnh Thái Nguyên lại chọn giải pháp “xẻo” đất ở doanh nghiệp khác để “vá” vào dự án đường Bắc Sơn- Minh Cầu.

Cụ thể, ngày 26/5/2015 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 1511/QĐ-UBND “Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư số 2 phường Hoàng Văn Thụ” với nội dung thu hồi phần đất của một dự án khác đã được phê duyệt để làm quỹ đất tái định cư cho Dự án “Đường Bắc Sơn Minh Cầu và khu dân cư số 1 đường Hoàng Văn Thụ”.

Giải pháp tháo gỡ vấn đề kiểu theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của UBND tỉnh Thái Nguyên đang gây thêm những bức xúc trong dư luận. Cách làm như vậy chẳng những rất khó tháo gỡ vấn đề mà còn có thể khiến cho tiến độ thi công dự án ngày càng trì trệ.

Đức Long

Bình luận bài viết