Lấy lý do cần nâng cao tuổi thọ, dung tích chứa nước, cải thiện môi trường môi sinh, chất lượng nước hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao thẳng cho doanh nghiệp thực hiện dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Mỏ cát sỏi có trữ lượng 11 triệu tấn, trị giá gần nghìn tỉ đồng, ai là người được lợi?
“Kho báu” dưới lòng hồ
Hồ Núi Cốc được tạo thành sau khu đập ngăn dòng trên sông Công được xây dựng từ những năm thuộc thập niên 70 thế kỷ trước. Hồ có diện tích khoảng 25 km2. Qua nhiều năm tích trữ, hiện dưới lòng Hồ Núi Cốc có khoảng 11 triệu tấn đất cát sỏi.
Trữ lượng cát sỏi khổng lồ với giá trị khoảng 900 tỉ đồng này được ví như là kho báu dưới lòng hồ. Cũng vì giá trị quá lớn cho nên có nhiều tổ chức, cá nhân lăm le muốn có được quyền khai thác.
Cổng vào khu du lịch Hồ Núi Cốc
Những năm trước, người dân tại tỉnh Thái Nguyên hết sức bức xúc trước việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để cho nhiều hộ dân tại các xã Lục Ba, Bình Thuận, Tân Thái… ngang nhiên khai thác cát sỏi trái phép tại lòng Hồ Núi Cốc, làm chảy máu tài nguyên, phá vỡ cảnh quan, môi trường lòng hồ.
Xác định được tài sản quý dưới hồ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo dẹp hàng trăm tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép dưới lòng hồ, trả lại môi trường, cảnh quan tự nhiên cho Hồ Núi Cốc, đồng thời cũng bảo vệ được “kho báu” là mỏ cát sỏi nằm sâu dưới hồ.
Việc làm này của chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã được người dân ở đây đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, những ngày gần đây, theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này dư luận tại tỉnh Thái Nguyên đang hết sức bức xúc, đặt nhiều câu hỏi nghi ngại về tính khách quan, minh bạch, mục đích thực khi mà tỉnh Thái Nguyên, sau nhiều nỗ lực bảo vệ mỏ cát sỏi khổng lồ, lại cho một doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét lòng hồ, dẫn đến tài nguyên khoáng sản bị chảy máu.
Đâu là mục đích thực của dự án?
Tại các văn bản, tỉnh Thái Nguyên cho rằng do lượng bồi lắng dưới lòng hồ hiện nay lên tới khoảng 12 triệu m3 làm cho dung tích ngày cảng nhỏ lại, khả năng lấy nước giảm… vì vậy cần phải thực hiện dự án nạo vét lòngHồ Núi Cốc và tận thu sản phẩm đi kèm (cát sỏi).
Vì vậy từ năm 2014 tỉnh Thái Nguyên đã giao thẳng mỏ cát sỏi Hồ Núi Cốc cho doanh nghiệp tư nhân là Cty Cổ phần đầu tư Bất động sản Đại Việt (có trụ sở tại Mỹ Đình, Hà Nội).
Hoạt động nạo hút, khai thác tận thu của Công ty Đại Việt sau khi có được dự án
Lý giải về việc giao doanh nghiệp này, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cho rằng do kinh phí nạo vét có thể lên tới 100 tỉ đồng, tỉnh không bố trí được tài chính vì vậy giao cho Cty Đại Việt thực hiện. Khi thực hiện, doanh nghiệp này vừa nạo vét, vừa tận thu khai thác khoáng sản dưới lòng hồ để lấy tiền bù đắp chi phí.
Dư luận tại Thái Nguyên cho rằng đây là một lý do hoàn hảo để tổ chức, cá nhân có thể thu được lợi nhuận lớn, chiếm đoạt được mỏ tài nguyên khoáng sản khổng lồ là cát sỏi dưới lòng Hồ Núi Cốc một cách hợp pháp. Bởi nếu làm thủ tục cấp mỏ, khai thác mỏ thì là cả một lộ trình không hề đơn giản.
Với trữ lượng cát sỏi lên tới khoảng 11 triệu tấn, nếu được khai thác, tận thu hết thì với giá trị hiện nay nó có thể lên tới gần 900 tỉ đồng. Trong khi đó, dự toán của dự án nạo vét này chỉ khoảng trên 100 tỉ đồng. Như vậy, lợi nhuận có thể thu về từ dự án này là không hề nhỏ.
Cần khẳng định chủ trương nạo vét lòng hồ Hồ Núi Cốc là đúng và hết sức cần thiết tuy nhiên cách thức triển khai ở đây có nhiều vấn đề. Dư luận cho rằng, việc tỉnh Thái Nguyên giao thẳng Dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc cho cty Đại Việt về bản chất chính là giao quyền khai thác hợp pháp “mỏ” cát, sỏi với trữ lượng khổng lồ này cho một doanh nghiệp tư nhân còn cái lý do “nạo vét lòng Hồ Núi Cốc” chẳng qua chỉ là một khái niệm nhằm đánh tráo, che đậy bản chất của sự việc. Thậm chí còn có thông tin, lẫn trong lớp cát, sỏi bồi lắng dưới lòng Hồ Núi Cốc còn có một trữ lượng vàng đáng kể…
Trả lời phóng viên báo chí về việc này, trước đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thái Nguyên cho rằng dự án này UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, vai trò của Sở Tài nguyên trong dự án chỉ là kiểm tra giám sát những tác động đến môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Việc doanh nghiệp khai thác được bao nhiêu cát, sỏi hay các loại khoáng sản khác Sở TN&MT không được quản lý và thuế tài nguyên doanh nghiệp sẽ phải nộp bao nhiêu Sở cũng không nắm rõ.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 28/9 tại khu vực lòng hồ Núi Cốc, Cty Đại Việt cho các máy xúc lớn vào bãi khai thác. Trong vai là người dân TP. Thái Nguyên vào xem chất lượng cát chúng tôi muốn xâm nhập vào mỏ. Nhưng vừa đến cổng đã bị bảo vệ chặn lại và điện đàm cho cán bộ bên trong xin ý kiến. Tuy nhiên cán bộ này thông báo cho nhân viên bảo vệ là: “thuyền chưa về, ngày mai mới có”. Khi phóng viên đi sâu vào trong để ghi hình, chụp ảnh thì lập tứ có hai nhân viên từ trong mỏ đi ra nhìn chúng tôi gườm gườm và hỏi: “giơ máy điện thoại lên làm gì?” .
“Chỉ bằng một dự án mà thoạt nghe thì rất lọt tai, mỏ cát sỏi khổng lồ- nguồn tài nguyên quý của Thái Nguyên đang hàng ngày bị hút lên khỏi mặt nước. Tiền không chảy vào túi Nhà nước. Cần phải làm rõ trách nhiệm, mục đích thực của dự án này” – một người dân tại Thái Nguyên bức xúc nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Hà Châu/Báo Gia đình & Xã hội
Bình luận bài viết