Kỳ lạ chuyện tượng vừa đúc xong biến mất tại Thái Nguyên
Chỉ ít ngày sau Đại lễ đúc tượng hoành tráng được tổ chức tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; cả hai pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ đã biến mất bí ẩn trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương.
Cho đến hôm nay 6/4/2015- tức là gần tròn 1 năm sau ngày tổ chức Đại lễ đúc tượng- nhiều người dân trong tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa biết 2 pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ đang ở đâu.
Trong tâm trí của người dân, địa điểm Đại lễ đúc tượng hoành tráng được tổ chức tại chùa Phù Liễn TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên nhằm đúng ngày 9/4/2014 tức ngày 10/3 năm Giáp Ngọ.
Tới dự Đại Lễ có mặt đông đủ đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, TP Thái Nguyên, Quỹ tu bổ Đền Hùng; Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Trụ trì chùa Phù Liễn; cùng các đại biểu đại diện cho các ban, ngành, đoàn thể và các Chư Tôn đức Tăng Ni, nhà từ thiện, du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo dự kiến, tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ được đúc bằng đồng (cao 2m, nặng khoảng 1,2 tấn). Chi phí đúc tượng được trích từ nguồn Quỹ tu bổ Đền Hùng cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm, từ thiện, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Sau khi đúc tượng sẽ được trưng bày tại Đình Hùng Vương, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên.
Các đại biểu thành kính tại Đại lễ đúc tượng
Theo những người chứng kiến, tại thời điểm đúc tượng, rất nhiều người tham dự buổi lễ đã tháo dây chuyền, vòng, lắc, nhẫn vàng đang đeo trên người đặt vào khay do Ban tổ chức chuẩn bị để “cung tiến” trực tiếp vào lò đúc tượng.
Ông Vũ Anh Tuấn-Chủ tịch UBND phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên nhớ lại: chính ông được chứng kiến Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Thái Nguyên tháo nhẫn đang đeo trên tay ném vào khi tượng đang được các nghệ nhân đúc.
Đông đảo người dân Thái Nguyên thành kính tham dự lễ đúc tượng
Đại lễ đúc 2 pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ được tổ chức hoành tráng là thế và được tỉnh Thái Nguyên, TP Thái Nguyên coi đây là hoạt động có ý nghĩa, thể hiện niềm tri ân sâu sắc của Đảng bộ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhân ngày Quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương. Không những vậy, đó còn là nơi nhiều người dân thành tâm gửi gắm tâm nguyện.
Oái oăm thay! Sau khi tổ chức đúc linh đình tại chùa Phù Liễn TP Thái Nguyên, 2 pho tượng lặng lẽ được di chuyển đi nơi khác gần 1 năm qua, không ai nhìn thấy nó lần nào nữa! Thậm chí khá nhiều người trong cuộc khi được hỏi cũng không biết những pho tượng này được chuyển đi đâu, để làm gì.
Rất nhiều đồ trang sức bằng kim loại quý đã được người dân cung tiến ngay tại buổi lễ đúc tượng
Theo lãnh đạo UBND phường Trưng Vương TP Thái Nguyên- nơi có Đình Hùng Vương- cho biết: vì kinh phí thuê đúc tượng là nguồn xã hội hoá, nên phường cũng chẳng được phép quan tâm sâu, mọi người làm thế nào là tuỳ. Chỉ có điều là sau khi đúc xong tại Chùa Phù Liễn, tượng không được đưa về Đình Hùng Vương của phường Trưng Vương như dự kiến ban đầu, còn đem đi đâu không hề có kế hoạch hay thông báo gì cả…
Đồ cung tiến bằng vàng được đổ trực tiếp vào khuôn đúc tượng trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người
Cho đến thời điểm này, 2 pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ được đúc tại Thái Nguyên hình thù ra sao, có bao nhiêu vàng, bạc và kim loại quý của người dân thành tâm cung tiến chẳng ai có thể đo đếm, biết được. Họ chỉ biết là đã có rất nhiều vàng được bỏ vào cái nồi nấu phôi đồng đó.
Trưởng BQL Đình Hùng Vương giới thiệu với PV về nơi dự kiến đặt tượng trong đình đã được chuẩn bị gần 1 năm qua
Rất nhiều người lo ngại và đặt câu hỏi: Vì sao có chuyện lạ kỳ như vậy? Liệu sau này, các pho tượng được đem trả lại Đình Hùng Vương tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên có phải là những pho tượng đã được đúc tại chùa Phù Liễn gần 1 năm trước hay nó đã được “phù phép” theo một cách thức nào đó?
(Theo báo Xây dựng)
Sáng nay ngày 27/4/2015, UBND thành phố Thái Nguyên đã long trọng tổ chức lễ rước tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ.
Ảnh toàn cảnh buổi lễ
Đồng chí Mai Đông Kinh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành Phố phát biểu tại lễ rước tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ.
Các đồng chí Đại biểu dâng hương tại lễ rước tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ
Tới dự buổi Lễ có các đồng chí Mai Đông Kinh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành Phố; đồng chí Quản Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Đại Đức Thích Nguyên Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, dân tộc, tôn giáo của thành phố Thái Nguyên.
Ngay sau khi thực hiện nghi lễ dâng hương, 18 đoàn rước tượng trưng cho 18 đời vua Hùng thực hiện nghi Lễ rước kiệu qua các tuyến phố chính của phường Trưng Vương. Đại lễ rước tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ được tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 26 – 28/4/2015. Trước đó vào tối ngày 26/4/2015 tại sân khấu chính phường Trưng Vương đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Ngày hội non sông” do đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên biểu diễn. Chương trình đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân thành phố Thái Nguyên…
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ rước tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ:
Tuấn Anh
Sự thật chuyện hai pho tượng 1,2 tấn “biến mất” ở Thái Nguyên
Lễ đúc hai pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ được tổ chức trọng thể hơn một năm về trước tại TP. Thái Nguyên.
Theo dự kiến, tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ được đúc bằng đồng (cao 2m, nặng khoảng 1,2 tấn) sẽ được đặt tại di tích lịch sử đình Hùng Vương (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên).
Trong buổi lễ đúc tượng, rất nhiều người dân, nhà hảo tâm đã phát công đức, lòng thành bằng hiện vật dây chuyền, nhẫn vàng… để đúc hai pho tượng. Theo tiến độ, hai pho tượng này sẽ được hoàn thiện trong một năm, và sẽ được “hô thần nhập tượng” đưa về di tích vào đúng ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch năm 2015.
Tuy nhiên, một thời gian sau đó, người dân TP Thái Nguyên không thấy “bóng dáng” của hai pho tượng này trên địa bàn. Nhiều dấu hỏi được đặt ra khiến người dân bán tín bán nghi, nhất là những người đã phát tâm ủng hộ bằng hiện vật.
Đặc biệt, thời điểm trọng đại rước tượng về theo dự kiến, (tức ngày 8/3 đến 10/3 năm Ất Mùi) đến gần, những tranh luận về 2 pho tượng càng thêm… nóng hổi!
Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân sống ở TP. Thái Nguyên, cho biết: “Đại lễ đúc 2 pho tượng được tổ chức hoành tráng, thể hiện niềm thành tâm của người dân chúng tôi. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã hơn 1 năm, 2 pho tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ không biết được vận chuyển đi đâu’.
‘Chúng tôi cũng không biết hình thù 2 pho tượng ra sao, bao nhiêu vàng, bạc và kim loại quý của người dân thành tâm cung tiến có còn nguyên vẹn trong tượng? “Thông tin mất tượng khiến chúng tôi vô cùng hoang mang”, bà Hòa nói.
Không riêng bà Hòa, nhiều người dân khác cũng tỏ ra bất ngờ trước thông tin “mất tượng”. Câu chuyện càng thêm xôn xao khi thông tin “mất tượng” được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trao đổi với phóng viên, PCT UBND TP. Thái Nguyên, ông Quản Chí Công cho biết: Ngày 10/3/2014, UBND phường Trưng Vương có công văn gửi Quỹ Tu bổ Đền Hùng (Phú Thọ) đề nghị giúp đỡ đúc 2 pho tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ để phục dựng hình ảnh Quốc tổ và Quốc mẫu trong nơi thờ tự các Vua Hùng tại đình Hùng Vương (TP. Thái Nguyên).
Sau khi nhận được lời đề nghị, Quỹ Tu bổ Đền Hùng đã hướng dẫn cách làm, đồng thời phía Quỹ cũng nhiệt tình phối hợp với các cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng giúp đúc 2 pho tượng theo ý nguyện của người dân cùng các tăng ni phật tử.
Ngày 9/4/2014, lễ đúc hai pho tượng trên được tổ chức hoành tráng tại chùa Phù Liễn với có mặt đông đủ đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và người dân. Theo quy chuẩn của Bộ VH-TT&DL, hai pho tượng được đúc bằng đồng (cao 2m, nặng khoảng 1,2 tấn).
Toàn bộ số kinh phí đúc tượng được trích từ Quỹ Tu bổ Đền Hùng cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nhân dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
PCT UBND TP.Thái Nguyên khẳng định: “Không có chuyện mất tích 2 pho tượng như đồn thổi. Đó là thông tin sai lệch và không có cơ sở, chúng tôi cũng hết sức bất ngờ về thông tin hai pho tượng bị mất tích và không biết vì sao như vậy”.
Theo ông Công, kế hoạch đúc 2 pho tượng được tính toán bài bản. Theo đó, sau lễ khởi công và đúc xong phôi tại chùa Phù Liễn ngày 9/4/2014, hai pho tượng được chuyển về làng nghề đúc tượng ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Chùa Phù Liễn là địa điểm được mượn để tổ chức lễ đúc tượng còn việc chế tác, hoàn thiện, đảm bảo các yêu cầu về mỹ thuật phải do các nghệ nhân đảm trách dưới sự giám sát chặt chẽ của Quỹ Tu bổ Đền Hùng.
“Việc đúc tượng là việc làm tâm linh, hơn nữa có nhiều bà con đã cung tiến tiền bạc vào đó nên không thể làm qua loa được. Mỗi quy trình đều có sự giám sát chặt chẽ. Bộ phận nào phụ trách khâu nào đều được phân công, chỉ đạo bằng văn bản. Việc hoàn tác 2 pho tượng có sự giám sát chặt chẽ, có biên bản bàn giao, hợp đồng ký kết… nên sẽ không xảy ra chuyện “ăn bớt” vàng bạc cúng tiến”.
Đúng như dự kiến, ngày 27/4/2015 (tức ngày 09/3 âm lịch), BQL di tích đền Hùng Vương, TP.Thái Nguyên đã tổ chức long trọng lễ đón nhận hai pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ sau đúng một năm tròn đúc tượng. Hàng ngàn người dân Thái Nguyên đã có mặt trong buổi lễ. Sau lễ rước tượng là lễ hô thần nhập tượng. Hai bức tượng đồng cao 02m, nặng 1,2 tấn sẽ được đặt trong đền thờ Hùng Vương – di tích lịch sử đã được xếp hạng tại TP. Thái Nguyên.
Theo VietNamNet
Bình luận bài viết