Ep coc be tong thai nguyen | Ép Cọc Bê Tông Tại Thái Nguyên

TN: Vì sao không xử phạt Công ty Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường?

 Xác định mức độ gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo là rất nghiêm trọng, nên UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường… xem xét, chỉ đạo.


Hồ chứa bùn thải tại Dự án Núi Pháo sau gần 1 năm đưa vào sử dụng đã có hiện tượng quá tải.

Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo được xem là dự án về khoáng sản lớn tại Việt Nam do Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NUIPHAO MINING) thực hiện tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Theo các tài liệu địa chất thì mỏ Núi Pháo sẽ cung cấp 15% lượng cung vonfram, 20% bitmut và 7% florit toàn cầu. Vì vậy, với nguồn lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, dự án Núi Pháo hứa hẹn sẽ trở thành hình mẫu lý tưởng trong ngành khai thác khoáng sản về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững về kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.

Thế nhưng, ngay từ khi đi vào hoạt động đời sống của nhân dân trong khu vực đã bị đảo lộn hoàn toàn do ô nhiễm môi trường mà Công ty Núi Pháo gây ra. Vì nhà máy xây dựng liền kề với khu dân cư, nên những người dân ở đây từng ngày từng giờ phải sống chung với ô nhiễm: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi… Nhiều hộ gia đình vì có người già và con trẻ, do không chịu đựng được ô nhiễm như: mùi hôi thối, mùi hóa chất, bụi bặm, tiếng ồn và nỗi lo về bệnh tật nên đã phải di chuyển đi chỗ khác sinh sống, một số khác thì vẫn phải bám trụ vì không biết đi đâu.

Để “che mắt” dư luận, Công ty CP Tài Nguyên Masan – Công ty khai thác mỏ Núi Pháo thông cáo báo chí rộng rãi rằng Masan Resources đã áp dụng các quy chuẩn khắt khe nhất để giám sát những tác động của hoạt động khai thác khoáng sản mỏ Núi Pháo đến môi trường và cộng đồng địa phương. Cụ thể là từ năm 2013, Công ty đã ký kết các hợp đồng quan trắc môi trường với các đối tác uy tín như công ty quốc tế SGS, Gusho Kohsan của Nhật Bản, Viện Khoa học môi trường và Sức khỏe cộng đồng. Bình quân mỗi ngày, các đối tác tiến hành lấy hàng chục mẫu thử để kiểm tra, và tổng số mẫu đã được lấy và thử nghiệm từ năm 2013 đến nay đã lên đến con số 15.563 mẫu, trong đó có 14.232 mẫu nước thải, số còn lại là các mẫu khác như nước sinh hoạt, mẫu đất và đuôi quặng… và nhờ đó, kết quả quan trắc nước thải do Công ty Núi Pháo thực hiện đều nằm trong giới hạn cho phép.

Thế nhưng, những kết quả mà PV tiếp cận thực tế cũng như đánh giá của cơ quan chức năng là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên lại chính thức lật tẩy “bộ mặt thật” gây ô nhiễm môi trường tại dự án khoáng sản này.

Theo các kết quả quan trắc môi trường môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Công ty Núi Pháo giám sát và thực hiện định kỳ cho thấy trong nước thải ra môi trường của Công ty Núi Pháo và suối Cát (nguồn tiếp nhận nước thải) đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Hàm lượng Asen, Sắt, Thủy Ngân, Flo, tổng Xianua đã vượt giới hạn cho phép.

Cụ thể: Trong nước thải từ nhà máy (tại Đập khe vối) đã phát hiện tổng Xianua vượt tiêu chuẩn cho phép đến hàng chục lần, cá biệt có đợt vượt giới hạn đến 231 lần (năm 2014). Trong nước mặt suối Cát tiếp nhận nước thải của Công ty Núi Pháo cơ quan chức năng cũng đã phát hiện Xianua vượt giới hạn cho phép đối với nước mặt từ 30 lần – 217 lần. Từ năm 2015, tại khu vực xóm 6, xã Hà Thượng – khu xóm nằm xung quanh hồ chứa quặng đuôi có hiện tượng xuất lộ nước tự nhiên, gây úng ngập đất đai, vườn bãi của người dân. Kết quả phân tích nước xuất lộ trong khu đất nhà dân có hàm lượng sắt, mangan cao vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần.

Mới nhất, đêm 29 rạng ngày 30/6/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã nhận được thông tin người dân xóm 6, xã Hà Thượng phản ánh Công ty Núi Pháo xả nước thải không qua hệ thống xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cảnh sát môi trường phối hợp cùng UBND huyện Đại Từ đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu hiện trường với sự tham gia chứng kiến của đại diện UBND xã và người dân. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại khu vực Trạm xử lý nước thải của Công ty Núi Pháo có những hệ thống đường ống xả nước thải không qua Trạm xử lý nước thải ra môi trường, kết quả phân tích đã phát hiện hàm lượng Xianua vượt quy chuẩn 32 lần, với lưu lượng trên 10.000 m3.

Từ những lần kiểm tra, những biên bản, những cuộc đối thoại, phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra bản danh sách những khuất tất tại Dự án Núi pháo và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, làm rõ.

Theo đó, Dự án chưa lắp đặt thiết bị quan trắc tự động đối với nước thải, khí thải. không xây dựng hành lang bảo vệ môi trường, tạo khoảng cách an toàn cho người dân. Không những vậy, công ty cũng không thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường khi đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải; Chưa báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên về việc thẩm định và kiểm tra xác nhận hai hồ chứa quặng đuôi; Chưa được xác nhận bãi chứa đất đá thải (hạng mục này không được đề cập trong Giấy xác nhận số 07/GXN-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đặc biệt, Công ty Núi Pháo đã thuê đơn vị quan trắc môi trường chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đối với một số thông số như: Tổng xianua, đồng, kẽm, thủy ngân, Asen, Cadmi… (trong đó có xianua là thông số mà Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện vượt quá quy chuẩn cho phép ở mức cao). Không phát hiện được mức độ ô nhiễm của xianua trong kết quả phân tích nước thải và có ý kiến về sự không thống nhất trong kết quả phân tích với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Xác định mức độ gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo là rất nghiêm trọng, nên UBND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.


Báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về tình trạng ô nhiễm môi trường do Dự án Núi Pháo gây ra

Báo cáo số 147/BC-UBND ngày 14/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ ra rằng: Riêng năm 2015 Công ty Núi Pháo đã sử dụng tới 94.215 tấn hóa chất, trong khi đó theo kế hoạch khai thác được phê duyệt Công ty Núi Pháo chỉ được phép sử dụng 26.438 tấn hóa chất/năm. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp khai khoáng này đã sử dụng hóa chất tăng gấp 300% cho phép.

Không những thế, số loại hóa chất được Công ty Núi Pháo sử dụng tăng hơn 13 loại so với báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên& Môi trường phê duyệt năm 2008. Các hóa chất có khối lượng sử dụng vượt quy định là Nari Hydroxit vượt 10 laanfm đồng sunfat vượt 1,3 lần và chất tạo đông tụ trong tuyển nổi- Quebracho D2 vượt 1,6 lần…

Điều đáng nói là mặc dù có sự thay đổi tăng về sản lượng sản xuất tinh quặng, diện tích sử dụng đất và hóa chất so với nội dung được phép nhưng Công ty Núi Pháo không hề báo cáo và xin ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền.


Báo cáo và đề nghị “cho ý kiến đối với việc xử lý vi phạm” gây ô nhiễm môi trường của Công ty Núi Pháo

Kể từ ngày 28/9/2016 Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm trưởng đoàn- đã chính thức thực hiện hoạt động thanh tra toàn diện Dự án Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, với thời hạn thanh tra trong 45 ngày.

Dư luận cũng như chính quyền các cấp, các ngành chức năng tại tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt là người dân trong vùng Dự án của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo đang mong chờ vào một kết quả chính xác, khách quan, thuyết phục từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bình luận bài viết